Báo cáo Đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm được xây dựng trong khuôn khổ Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” do Vụ Pháp luật dân sự kinh tế thuộc Bộ Tư pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu mối thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam). Báo cáo được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Luật sư Nguyễn Hưng Quang và các cộng sự. Các nhận định và ý kiến đánh giá trình bày trong Báo cáo là của nhóm nghiên cứu, không đại diện hay phản ánh quan điểm của Vụ Pháp luật dân sự kinh tế của Bộ Tư pháp hay UNDP Việt Nam.
Số trang: 162 trang
Nhóm Nghiên cứu:
Ls. Nguyễn Hưng Quang, Trưởng nhóm nghiên cứu – Giám đốc VPLS NHQuang&Cộng sự
Ts. Bùi Thị Thanh Hằng, Thành viên – Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ths. Lê Thị Thúy Nga, Thành viên – Nghiên cứu viên Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
Ths. Đoàn Thanh Huyền, Thành viên – Giảng viên Đại học Luật Hà Nội
Năm công bố: 2022
Tóm tắt:
Vấn đề kinh doanh có trách nhiệm đã được xác định trong các văn bản chính sách và pháp luật của Việt Nam từ rất sớm với việc chuyển định hướng tập trung từ chiến lược phát triển kinh tế thuần túy sang phát triển bền vững. Đặc biệt, giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã làm gia tăng các vấn đề về bất bình đẳng xã hội làm trầm trọng hóa một số vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Vào ngày 30/08/2021, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động 5 năm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, theo đó, kế hoạch xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam (NAP), được giao cho Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan.
Khung đánh giá cơ sở quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm (NBA) được xây dựng dựa trên UNGP bao gồm các nguyên tắc nền tảng, 31 nguyên tắc của 03 trụ cột gồm Doanh nghiệp – Nhà nước – Cơ chế khắc phục và dựa trên phương pháp nghiên cứu tổng hợp thông tin từ (i) Báo cáo Đánh giá sơ bộ khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và các tài liệu thứ cấp khác, quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nghiên cứu, (ii) 57 ý kiến bằng văn bản nhằm đóng góp thông tin của các cơ quan Nhà nước đối với việc xây dựng Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”, (iii) 23 cuộc phỏng vấn sâu với các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội hoạt động vì nhóm dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng được góp ý từ các doanh nghiệp chuyên gia, luật sư có liên quan đối với nội dung nghiên cứu.
Báo Cáo Đánh Giá Cơ Sở có mục tiêu chính là xác định các vấn đề bất cập nổi cộm và đề xuất các ưu tiên khắc phục theo 5 lĩnh vực: (i) Đầu tư chọn lọc; (ii) Lao động; (iii) Bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; (iv) Bảo vệ môi trường; (v) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các đề xuất, khuyến nghị ưu tiên khắc phục sẽ tạo cơ sở giúp các cơ quan chức năng nghiên cứu khi xây dựng và hoàn thiện NAP theo kế hoạch đã được đề ra.
Gợi ý trích dẫn: “Báo cáo đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam” được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Kinh doanh có trách nhiệm do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển
Các cá nhân NHQuang tham gia nghiên cứu cùng tác giả: Từ Thị Phương Uyên, Lê Gia Khánh, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Văn Hải Đăng, Nguyễn Quốc Khánh và Võ Thụy Xuân Diệp

Trả lời