vnlawfind

Luật Đầu tư: Đâu là những nội dung cần sửa?

Mới hơn ba năm thực hiện kể từ tháng 7-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Một lần nữa, yêu cầu cải cách trong tư duy và kỹ thuật làm luật lại được cộng đồng doanh giới, chuyên gia pháp lý, kinh tế đặt ra.

TBKTSG lần lượt giới thiệu bài viết góp ý hai dự thảo luật này trên tinh thần thúc đẩy cải cách hơn nữa để làm bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.

Giống như những lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trước, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tới việc sửa đổi 2 luật này mong có được một khuôn khổ pháp lý để hoạt động kinh doanh của mình được thuận lợi.

Trong một bài viết trước đây đăng trên TBKTSG, tôi cho rằng Luật Đầu tư hiện tại đã không còn phù hợp với việc tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đối với các nhu cầu hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhiều vấn đề của Luật Đầu tư đã được nhiều quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Luật Đầu tư đã trở thành một chiếc áo chật hẹp đối với hoạt động đầu tư ngày một đa dạng. Câu hỏi đã được đặt ra là Luật Đầu tư có còn cần thiết?

Quyết tâm sửa Luật Đầu tư lần này cũng nhằm để Luật Đầu tư trở nên hữu ích hơn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Do đó, theo dự thảo Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, các mục tiêu sửa đổi Luật Đầu tư tập trung chủ yếu cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư. Với mục tiêu này, một số trở ngại đối với nhà đầu tư có thể được dỡ bỏ.

Luật Đầu tư hiện tại đã không còn phù hợp với việc tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đối với các nhu cầu hoạt động đầu tư kinh doanh.

Luật Đầu tư đã trở thành một chiếc áo chật hẹp đối với hoạt động đầu tư ngày một đa dạng.

Nhưng sau 30 năm ra đời, dù đã qua một số lần chỉnh sửa, Luật Đầu tư vẫn cần phải được xem xét lại một cách tổng thể về sự cần thiết cũng như phạm vi điều chỉnh. Bên cạnh những sửa đổi về những vấn đề cải cách thủ tục hành chính, danh mục ngành nghề khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư, hoàn thiện bộ máy làm việc của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, Luật Đầu tư cần có những thay đổi có tính chất đột phá, nhưng vẫn phải bảo đảm tính hệ thống của các quy định về đầu tư, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh Nhà nước đang có các chính sách về đổi mới phát triển kinh tế (như đề án về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế), Luật Đầu tư cần phải có những nội dung để phù hợp với xu hướng đầu tư nước ngoài mới hiện nay (như chuyển địa điểm sản xuất về những quốc gia ở gần (near-shoring) và chuyển về nước để đầu tư nhờ tự động hóa (no shoring/automation). Một số gợi ý đối với việc sửa đổi của Luật Đầu tư:

Trước hết, Luật Đầu tư nên có các quy định khung, có tính định hướng cho các luật và các chính sách khác để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài trong bối cảnh các quốc gia đang cạnh tranh về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; nhiều hiệp định thương mại, đầu tư tự do được ký kết và xu thế phát triển của công nghệ.

Ví dụ Luật Đầu tư cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng tài sản trí tuệ, tài sản thương hiệu, lợi thế thương mại có giá trị để đầu tư vào Việt Nam bên cạnh việc tiếp tục thu hút các tài sản hữu hình truyền thống. Thúc đẩy hoạt động đầu tư bằng tài sản trí tuệ, thương hiệu có thể tạo ra động lực cải thiện năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo của quốc gia cũng như có thể đem lại các khả năng về việc làm.

Luật Đầu tư cũng nên đơn giản hóa các thủ tục đầu tư ra nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài nhằm thu hút công nghệ, chất xám, đặc biệt là các dự án không đòi hỏi nhiều vốn; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển, thu hút công nghệ, hoặc đầu tư dưới hình thức chuyển các nhà máy, công nghệ không còn phù hợp ở Việt Nam sang các quốc gia kém phát triển hơn.

Để có thể bảo đảm được chất lượng đầu tư bằng tài sản “vô hình” vào Việt Nam hay ra nước ngoài, các quy định pháp luật về hậu kiểm (như kiểm soát ngoại hối, thẩm định công nghệ và quản lý thuế…) cũng cần được thay đổi.

Kế đến, Luật Đầu tư cũng nên mở rộng hay quy định cụ thể các phương thức đầu tư hiện có nhưng chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Ví dụ như đầu tư dưới hình thức “ủy quyền đầu tư” (trust), hợp tác công tư (PPP), bao gồm: các hoạt động hợp tác đối tác công tư có quy mô lớn cho các công trình cơ sở hạ tầng lẫn các hoạt động hợp tác đối tác giữa công và tư có quy mô nhỏ (thường được biết tới dưới tên gọi xã hội hóa) và các hình thức đầu tư khác. Trên thực tế, các hoạt động đầu tư này vẫn đang diễn ra khá sôi động nhưng lại chưa được Luật Đầu tư hoặc một văn bản quy phạm ở cấp tương đương ghi nhận.

Đồng thời Luật Đầu tư cần xây dựng một cơ chế giải quyết vướng mắc, khiếu nại trong hoạt động đầu tư, có tính đột phá để bổ trợ cho quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện hành đang bị các nhà đầu tư cho rằng kém hiệu quả.

Những vướng mắc phần lớn hiện nay của nhà đầu tư là thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhất quán giữa các quy định pháp luật, thiếu minh bạch trong việc thực thi pháp luật và có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Những vướng mắc khi không được giải quyết thấu đáo, nhanh chóng dễ dẫn tới tranh chấp đầu tư quốc tế hoặc sự rút vốn hoặc chuyển địa điểm của các nhà đầu tư.

Hoạt động “ủy quyền đầu tư” (một dạng thức của mô hình “trust”) là một hoạt động phổ biến ở các nước theo hệ thống luật án lệ (common law). Một số nước theo hệ thống dân luật cũng đã công nhận hoạt động “ủy quyền đầu tư” cho các mục tiêu kinh tế và dân sự, như Trung Quốc, Nga… Công nhận hoạt động “ủy quyền đầu tư” đã giúp cho Trung Quốc thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, cải cách hoạt động của doanh nghiệp nhà nước…

Luật sư Nguyễn Hưng Quang
VPLS NHQuang&Cộng sự
Bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 18/03/2019

Leave a Comment