Nghiên cứu này là một hoạt động thuộc chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Chương trình do hai cơ quan này của Liên Hợp Quốc thực hiện với sự phối hợp của Bộ Tư pháp Việt Nam.
Nhóm Nghiên cứu:
MBA. LS. Nguyễn Hưng Quang – Trưởng nhóm – Chủ tịch Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam, Luật sư sáng lập và điều hành, Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự
TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Thành viên – Phó Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Tài chính và Ngân hàng Hà Nội
ThS. Henrik Stenman – Chuyên gia về Nhân quyền và Phát triển của Liên hợp quốc
Tóm tắt:
“Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh và đề xuất hoàn thiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch COVID-19” được Dự án Tăng cường Pháp luật và Tư pháp cho Việt Nam (EU JULE) và Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp) cùng phối hợp thực hiện nhằm đánh giá các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới liên quan đến tình trạng khẩn cấp (TTKC) và đánh giá tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền con người và thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động phòng, chống COVID-19 ở một số quốc gia và Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu của Việt Nam và một số tài liệu của Liên hiệp quốc và các quốc gia khác. 05 quốc gia và vùng lãnh thổ được lựa chọn nghiên cứu bao gồm: Phần Lan, CHLB Đức, Thuỵ Điển, Hàn Quốc và Đài Loan dựa trên đặc điểm về cấu trúc nhà nước (đơn nhất hay liên bang), phương pháp chống dịch COVID-19 (ban bố TTKC hoặc không ban bố TTKC), thành công trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, và các đặc điểm khác về hệ thống chính trị (cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị), vị trí địa lý (như Châu Âu, Châu Á).
Bên cạnh những kết luận chung, Báo cáo đưa ra đề xuất xây dựng và ban hành luật về TTKC, với một số nội dung cần thiết, như: phạm vi có thể ban bố TTKC, đặc điểm, tiêu chí của từng tình huống để phân loại cấp độ “TTKC”, đồng thời đề xuất trong khi Luật tình trạng khẩn cấp chưa được ban hành thì một số quy định pháp luật khác cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng mục tiêu chống dịch COVID-19 và bảo đảm quyền con người khi thực hiện biện pháp chống dịch trong tình hình mới.
Gợi ý trích dẫn: Nguyễn Hưng Quang, Nguyễn Thị Thu Vân, Henrik Stenman, Tình trạng khẩn cấp, Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh và đề xuất hoàn thiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch COVID-19

