Báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Châu Á. Các nội dung của Báo cáo dựa trên quá trình nghiên cứu khảo sát bốn nhóm đối tượng chính là: nhóm cán bộ, công chức, nhóm truyền thông, nhóm tổ chức xã hội và nhóm chuyên gia. Bản quyền kết quả nghiên cứu thuộc về Văn phòng Quốc hội và Quỹ Châu Á. Mọi trích dẫn, công bố thông tin từ Báo cáo này nếu không được sự cho phép của Văn phòng Quốc hội và Quỹ Châu Á đều không hợp pháp.
Nhóm Chuyên gia:
Nguyễn Chí Dũng – Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử, Văn phòng Quốc hội
Nguyễn Hưng Quang – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
Nguyễn Đức Lam – Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử, Văn phòng Quốc hội
Số trang: 56
Năm công bố: 2015
Tóm tắt:
Ở Việt Nam, ngạn ngữ hiện đại có câu “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” nhằm ca thán về những chính sách, quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn đời sống. Nghiên cứu tham vấn công chúng trong qui trình xây dựng, ban hành VBQPPL được thực hiện với sự hợp tác giữa Thư viện Quốc hội – Văn phòng Quốc hội và Quỹ Châu Á nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp để nâng cao sự tham gia của người dân vào quy trình lập pháp hiện nay. Qua đó, các chính sách của nhà nước, các quy phạm pháp luật sẽ gần gũi với thực tiễn đời sống của nhân dân. Thông tin từ nghiên cứu này sẽ rất có ích trong việc hoàn thiện chế định về sự tham gia của người dân trong dự thảo Luật BHVBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Nghiên cứu về lý luận và thực tiễn cho thấy, việc tham vấn công chúng về các dự án luật có ý nghĩa như: (i) phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân, thực hiện quyền tham gia của người dân đã được Hiến pháp quy định; (ii) thu thập thông tin kiểm chứng, bổ khuyết việc thiết kế chính sách, giám sát việc thực thi chính sách và tạo cơ chế cho việc phản biện chính sách; (iii) tạo ra nguồn thông tin hữu ích và thực tiễn cho hoạt động ban hành chính sách của các cơ quan nhà nước; (iv) tạo điều kiện cho các cơ quan lập pháp và hành pháp hợp tác sớm trong việc xây dựng chính sách và pháp luật; (v) giúp cho việc lựa chọn chính sách, quyết định chính sách được công khai, minh bạch hơn và giảm thiểu các tác động đột ngột cho cộng đồng và thị trường; (vi) làm cho chính quyền quan tâm hơn đến nhu cầu, lợi ích của công chúng; và (vii) bảo đảm tính tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế từ phía Nhà nước.

Trả lời