Giới thiệu:
Năm 2021 là năm khởi đầu của Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái (UN Decade on Ecosystem Restoration 2021-2030) của Liên hợp quốc. Thông điệp bảo vệ rừng của Liên hợp quốc năm 2021 là “Khôi phục rừng: Con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc”. Đa dạng sinh học (ĐDSH) đóng góp giá trị quan trọng cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, y tế và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ và phát triển các KBT thiên nhiên, phát triển rừng, ĐDSH… Tuy nhiên, xu hướng công nghiệp hoá và đô thị hoá đã gián tiếp ảnh hưởng tới sinh cảnh tự nhiên. Nhiều đường giao thông, công trình thuỷ điện, đường dây điện, công trình điện tái tạo, hoạt động du lịch… đã tác động trực tiếp tới độ che phủ rừng, uy hiếp ĐDSH, ảnh hưởng tới sinh cảnh tự nhiên. Tỷ lệ diện tích rừng bị chuyển đổi hàng năm sang mục đích khác có xu hướng tăng. Nguyên nhân chính của những vấn đề nêu trên là các KBT ở Việt Nam hiện nay được điều chỉnh bằng nhiều ngành luật khác nhau và quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau (Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (NNPTNT) với lực lượng kiểm lâm, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, và Uỷ ban nhân dân địa phương) nên công tác bảo vệ chưa được thống nhất. Ngoài ra, KBT cũng phân loại khác nhau nên cũng khó khăn cho công tác ĐTM nếu không có các tiêu chí hướng dẫn thống nhất.
Luật Bảo vệ môi trường có quy định yêu cầu phải đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các dự án có sử dụng đất của KBT thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành mẫu báo cáo ĐTM để áp dụng cho các loại dự án khác nhau mà không có phân loại riêng mẫu ĐTM cho từng loại dự án, đặc biệt là ĐTM cho các KBT. Đây là một vấn đề có thể là bất cập cần được giải quyết. Để có thể hài hoà được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, bảo tồn ĐDSH, phát triển độ che phủ rừng, bảo vệ văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số thì cần có những biện pháp đồng bộ, hệ thống. Hoạt động ĐTM được coi là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát tác động xấu đến ĐDSH và giảm thiểu những ảnh hưởng tới con người, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ, trẻ em, DTTS. Do đó, báo cáo ĐTM cần phải chú trọng các tiêu chí đánh giá tác động về xã hội, trong đó có tác động về giới cần phải được chú trọng hơn nữa.
Vấn đề này đòi hỏi việc xây dựng một Bộ Tiêu chí đánh giá tác động môi trường và xã hội tại các KBT thiên nhiên là rất cần thiết để góp phần giải quyết những vấn đề đã nêu. Bộ Tiêu chí nhằm đưa các tiêu chí để người sử dụng (người hoặch định chính sách, quy hoạch…) sử dụng để đánh giá những nội dung căn bản về môi trường và xã hội tại các KBT và phục vụ cơ quan quản lý sử dụng để thẩm định các báo cáo ĐTM đối với các dự án có tác động tới KBT.
Tài liệu nghiên cứu này được biên soạn với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu. Các nội dung trong tài liệu này, kể cả các khuyến nghị và đề xuất là của nhóm nghiên cứu và Ban Thư ký Quỹ JIFF; không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh châu Âu cũng như bất kỳ cơ quan nào khác.
Số trang: 243 trang
Nhóm Nghiên cứu:
LS. Nguyễn Hưng Quang – Phó chủ tịch, Luật sư sáng lập và điều hành NHQuang&Cộng sự, Trưởng nhóm
TS. Nguyễn Thị Hoàng Anh – Chủ tịch, Đồng Trưởng nhóm
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh – Cố vấn cao cấp
TS. Lê Hưng Long – Ban chấp hành, Thành viên
ThS. Nguyễn Hải Duyên – Ban Thư ký, Thành viên
Nguyễn Trần Lan Hương – Ban Thư ký, Thành viên
TS. Đào Minh Trang – Thành viên
ThS. Ngô Minh Trang – Thành viên
Năm công bố: 2022
Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF) là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Dự án nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ dàng tiếp cận hơn.
Hội Luật quốc tế Việt Nam – một tổ chức tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam đã hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc tế, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm mục đích phát triển khoa học pháp lý quốc tế. Hội Luật quốc tế Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, tự quản, tự đảm bảo kinh phí và không vì mục đích lợi nhuận.
Sáng kiến “Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tác động môi trường và xã hội tại các KBT cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học” (được gọi tắt là “khu bảo tồn thiên nhiên”) được Ban Chỉ đạo dự án EU JULE phê duyệt tài trợ và được thực hiện tại 4 địa phương: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Bình và Hoà Bình. “Báo cáo nghiên cứu Bộ Tiêu chí pháp luật cho công tác đánh giá tác động môi trường và xã hội tại các KBT thiên nhiên” là kết quả thực hiện Sáng kiến.
Xem Bộ tiêu chí đánh giá tác động môi trường và xã hội tại các khu bảo tồn thiên nhiên tại đây: https://vnlawfind.com.vn/bao-cao-nghien-cuu-bo-tieu-chi-phap-luat-doi-voi-danh-gia-tac-dong-moi-truong-va-xa-hoi-tai-cac-khu-bao-ton-thien-nhien/
